TRẺ NHỎ TUỔI BỊ NÔN NHIỀU KHÔNG SỐT: PHẢI LÀM SAO?
- Người viết: Phụ kiện trang trí Tiệc Xinh lúc
- Tin tức
TRẺ NHỎ TUỔI BỊ NÔN NHIỀU KHÔNG SỐT: PHẢI LÀM SAO?
1. Nguyên nhân nào khiến trẻ bị nôn ói?
Hiện tượng nôn xảy ra khi có yếu tố kích thích trung tâm nôn ở não bộ như ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng hay do thuốc, do chuyển động. Nôn thường có lợi, vì nó giúp cơ thể loại bỏ các chất có thể gây hại ra khỏi cơ thể.
2. Nhận biết một số bệnh lý gây triệu chứng nôn ở trẻ em
Một số bệnh lý có thể khiến trẻ bị nôn nhiều không sốt không đi ngoài hoặc khiến trẻ bị nôn liên tục như:
2.1 Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn
Rất khó phân biệt giữa các bệnh viêm dạ dày ruột do virus/vi khuẩn với ngộ độc thức ăn vì thông thường các tình trạng này có khởi phát bệnh khá giống nhau: trẻ có thể nôn ồ ạt, trẻ bị nôn liên tục 5 - 30 phút/lần trong 1 – 12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt như:
Đối với nhiễm virus, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài từ 12 – 72 giờ. Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu tiên nhiễm bệnh hoặc ngày thứ hai. Vì vậy trẻ 2 tuổi bị nôn nhiều không sốt có thể loại trừ khả năng viêm dạ dày do vi khuẩn/virus.
Trẻ nhỏ hoặc trẻ 3 tuổi bị nôn nhiều không sốt có thể nghi ngờ nguyên nhân do ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2 - 12 giờ sau khi trẻ ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường không sốt. Triệu chứng nôn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại, thường không kéo dài quá 12 giờ, có thể có hoặc không có kèm tiêu chảy. Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là do ngộ độc thực phẩm.
2.2 Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn ói, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu của trẻ có mùi khó chịu thì phụ huynh cần cân nhắc nguyên nhân này. Trẻ 2 tuổi bị nôn nhiều không sốt có thể loại trừ nguyên nhân này.
2.3 Tắc ruột
Bệnh lý này xuất hiện khi ruột của trẻ bị xoắn. Tuy đây là tình trạng hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu càng sớm càng tốt. Triệu chứng then chốt của tắc ruột đó là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau bụng vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều đến nguyên nhân do tắc ruột.
Các triệu chứng tắc ruột bao gồm: đau bụng đột ngột, dữ dội, liên tục hoặc từng cơn; trẻ bị nôn ra mật xanh vàng, thường là nôn vọt (không bắt buộc); trẻ không kèm theo triệu chứng đi đại tiện; da dẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi; tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.
2.4 Lồng ruột
Trẻ dưới 4 tuổi bỗng nhiên bị nôn ói, không sốt nhưng không muốn uống, bị đau bụng không đi tiêu được có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Biểu hiện đi kèm đó là bé thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt, có thể có máu trong phân, phân lỏng.
2.5 Hẹp phì đại môn vị
Đối với một số ít trường hợp, nếu bé từ 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội, nhiều lần thì cần cảnh giác với chứng hẹp phì đại môn vị (phần cuối của dạ dày - nơi nối với tá tràng). Trẻ sẽ lặp đi lặp lại chu kỳ bú – nôn – đói và thường không sốt.
2.6 Trào ngược dạ dày thực quản
Bé bú mẹ hay bị trớ, ói hoặc có dấu hiệu kích thích muốn ói nhưng không ói được, nhiều khả năng bé bị trào ngược dạ dày thực quản. Một số trường hợp trẻ trớ sữa nhiều và mạnh.
3. Trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày phải làm sao?
3.1 Theo dõi dấu hiệu mất nước
Mất nước có thể xảy ra khi trẻ nôn và ói. Các dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm: Môi khô nhẹ, khát nước. Trẻ mất nước nhẹ không cần đến khám ngay nhưng cần theo dõi các dấu hiệu mất nước nặng hơn bao gồm: môi khô, khóc không có nước mắt, không đi tiểu trong vòng 6 giờ, mắt trũng, lúc này cần đến khám ngay.
3.2 Chế độ ăn
Cần tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn ăn dễ tiêu, tiếp tục cho bú mẹ nếu trẻ còn bú, có thể chia nhỏ các cữ ăn và ăn chậm, cho trẻ ăn uống theo nhu cầu, tránh ép trẻ ăn quá nhiều. Sau bữa ăn nên cho trẻ vận động nhẹ nhàng, tránh chọc trẻ khóc hay cười quá mức cũng có thể làm trẻ bị nôn.
3.3 Bù nước
Dùng dung dịch Oresol pha đúng tỉ lệ theo hướng dẫn trên bao bì. Dung dịch Oresol không gây nôn ói nặng hơn, giúp phòng ngừa và điều trị mất nước do các bệnh lý. Nếu trẻ không chịu uống hay nôn ngay sau khi uống dung dịch oresol, phụ huynh cần theo dõi sát các triệu chứng mất nước nặng hơn và cho uống lại sau 10 phút.
3.4 Nằm đầu cao
Cho trẻ nằm đầu cao sẽ góp phần làm giảm trào ngược. Tránh các yếu tố làm gia tăng áp lực ổ bụng như mặc quần áo quá chật.
3.5 Phòng ngừa lây lan
Trường hợp trẻ bị nôn do siêu vi, vi trùng dễ lây nhiễm, cha mẹ cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, tránh lây lan cho bản thân, người trong gia đình và bạn bè. Rửa tay thường xuyên và giữ trẻ ở nhà cho đến khi trẻ hết nôn 24 giờ.
4. Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ
Cho trẻ đến khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Trẻ ói ra dịch mật (màu xanh) hoặc máu (màu đỏ hoặc nâu)
- Nôn ở trẻ sơ sinh
- Trẻ nhỏ nôn kéo dài hơn 24 giờ
- Trẻ không ăn hoặc không uống được trong vài giờ
- Trẻ có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, không tiểu trong 6 giờ
- Trẻ đau bụng nhiều
- Sốt > 38.4oC hơn 3 ngày hoặc đưa đi khám ngay khi trẻ sốt > 39oC
- Trẻ lừ đừ, ngủ gà
Tùy vào từng triệu chứng đi kèm với nôn nhiều ở trẻ mà cha mẹ đưa ra phán đoán, xử lý. Nếu trong trường hợp bé nôn những vẫn vui chơi, ăn uống bình thường thì cha mẹ có thể để bé theo dõi tại nhà đồng thời bù nước và điện giải cho bé. Nhưng nếu bé có những triệu chứng bất thường khác như đau bụng, bỏ ăn, lừ đừ... thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/tre-nho-tuoi-bi-non-nhieu-khong-sot-phai-lam-sao/